9 người đã tử vong, một mù lòa do ngộ độc rượu, thế
nhưng các quán nhậu bình dân tại Sài Gòn vẫn đông khách, dân nhậu vẫn
cứ vô tư nâng ly đánh chén như không có chuyện gì xảy ra. >9 người chết vì rượu độc trong hai tuần/ Rượu cực độc được phân phối cho các quán nhậu/Vodka của Safoco có chất cực độc
Chưa đến 17h chiều, khu thịt cầy Cống Quỳnh (quận 1);
Bờ Kè (Tân Bình), Nguyễn Thị Minh Khai (Bình Thạnh)... khách nhậu đã
kéo đến tấp nập. Chủ một số quán cầy, cho biết, từ hai tuần nay, lượng
khách đến quán yêu cầu được phục vụ rượu vẫn không giảm.
 |
Rượu không nguồn gốc vẫn được dân nhậu tin dùng tại một quán ở quận 3. Ảnh: Thiên Chương. |
Dường như không quan tâm đến sự nguy hiểm đang rình
rập trong hơi men, khi được hỏi đã biết thông tin ngộ độc rượu hay
chưa, nhiều thanh niên tại các quán, khăng khăng lập luận: “Uống nhiều
mới chết, uống ít lo gì”; hoặc “Ăn thịt chó mà không uống rượu thì còn
gì là sướng”.
Tại các quán này, ngoài các loại rượu đóng chai có
nguồn gốc sản xuất, còn lại là rượu lẻ, được quán mua từ nhiều nguồn
khác nhau hoặc tự pha chế, chứa trong thùng nhựa hoặc ngâm trong lọ
thủy tinh, khách thích loại nào thì yêu cầu loại ấy.
Giá rượu căn cứ theo tên gọi và thành phần rượu do
chính chủ quán công bố. Rẻ nhất là rượu trắng, rượu chuối hột, rượu
sâm, có giá chỉ từ 8.000 đến 10.000 đồng/lít. Những loại cao cấp hơn
như: Ngọc dương, hải mã, tắc kè ngâm sâm, nếp cái… giá từ 16.000 đến
40.000/lít.
Khu nhậu bình dân nằm trên đường Ngô Nhân Tịnh, Bình
Phú (quận 6), Phạm Thế Hiển, Nguyễn Duy (quận 8) và các quận ven như
quận 12, Hóc Môn, Bình Chánh, không khí “chén chú chén anh” cũng sôi
động không kém.
Tại dãy quán cóc trên vỉa hè đường Ngô Nhân Tịnh,
quận 6, gần 22h đêm qua, nhiều khách nhậu vẫn ôm bầu rượu trắng không
nhãn mác lai rai. Theo một ông chủ, do quán nhỏ, chỉ bán cho khách
nghèo, nên không bán rượu rẻ thì không ai có tiền uống. Rượu có nguồn
gốc ở đâu anh chẳng cần biết, người ta mang tới chào hàng, thấy giá rẻ
và khách uống thử không chê thì mua.
Tình hình tại các quán nhậu ở Hóc Môn, Bình Chánh
cũng tương tự. Nhiều nơi, người nhậu thậm chí vừa xem tin tử vong do
ngộ độc rượu ở ti vi vừa nâng chén với giọng điệu "Sống chết có số",
hoặc "tôi uống hoài có thấy ăn nhập gì đâu"... Đáng nói hơn cả là tại
một số quán nhậu cóc quanh các ký túc xá đại học, nhiều sinh viên tuy
biết rõ tính nguy hại của rượu nhưng vẫn uống vì cho rằng, sinh viên
nghèo, không có tiền uống bia.
 |
Các quán cầy trên ngõ đường Cống Quỳnh, quận 1 vẫn đông khách dùng rượu. Ảnh: Thiên Chương. |
Trước tình hình như vậy, trao đổi với VnExpress.net, các bác sĩ cảnh báo, đây là thời điểm mà người dân cần phải cảnh giác cao độ với rượu.
"Những ngày qua, chúng tôi đã
phát hiện nhiều loại rượu có methanol, có loại thậm chí mang chất độc
cao gấp 400 lần cho phép. Điều này cho thấy khả năng bị ngộ độc khi
uống những loại rượu tự pha chế, không rõ nguồn gốc hoặc giá quá rẻ, là
rất cao", bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, nói.
Theo ông Châu, nếu thấy không thật cần thiết, người
dân nên hạn chế việc uống rượu, thậm chí không nên uống, nhất là những
loại có giá rẻ, không nhãn mác, xuất xứ.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, Phó viện Vệ sinh Y tế Công
cộng TP HCM, cho rằng, tuy không gây ảnh hưởng đến nhiều đối tượng như
melamine trong sữa, song, rượu độc lại gây tử vong nhanh hơn gấp nhiều
lần.
"Người uống rượu có chứa methanol có thể hôn mê sau
12 giờ đồng hồ, mù mắt hoặc tử vong sau vài ngày. Tai hại hơn, ngộ độc
rượu rất dễ bị nhầm với tình trạng say nên khó chẩn đoán. Đến khi phát
hiện được thì bệnh nhân thường đã lâm vào tình trạng hôn mê", ông Mai
nói.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Y tế TP HCM, Nguyễn Văn
Châu, một trong những dấu hiệu giúp nhận biết nạn nhân bị ngộ độc rượu
là căn cứ vào lượng rượu uống vào và mức độ say như thế nào. "Ví dụ tửu
lượng của anh A là nửa lít, hôm nay uống ít hơn nhưng đã bị say vật vã
mà rượu uống lại là loại không có nguồn gốc, thì nguy cơ ngộ độc là rất
cao", ông Châu nói.
Từ
ngày 29/9 đến nay, TP HCM đã có 27 ca nhập viện liên quan đến ngộ độc
rượu, trong đó 9 ca đã tử vong, một người đã bị giảm thị lực do độc
chất methanol gây nên, một người khác đang hôn mê.
Để khống chế nạn rượu "đen", chiều 14/10, Sở Y tế TP
HCM lập hội đồng khoa học xây dựng phác đồ điều trị cho các bệnh nhân
ngộ độc methanol. Thanh tra Sở Y tế cũng tiếp tục thanh kiểm tra các cơ
sở sản xuất rượu và phân phối cồn. Tuy nhiên theo các chuyên gia, ý
thức của người dân trong việc kinh doanh sản xuất lẫn sử dụng rượu vẫn
quan trọng hơn cả.
Thiên Chương
|