Tập đoàn Điện lực VN (EVN) vừa trình Bộ Công Thương đề
án “Giá điện theo cơ chế thị trường” trong đó đề nghị tăng gần 16% điện
sản xuất và mức tăng cao nhất đối với điện sinh hoạt khoảng 63%. 6
tháng một lần, EVN sẽ đề xuất phương án điều chỉnh giá dựa trên chi phí
đầu vào. > 'Cần cơ chế giá điện minh bạch'
Theo đó, đối với giá điện sinh hoạt, EVN đề xuất 2 phương án. So với phương án cũ được đưa ra từ hồi cuối tháng 9
thì giá điện sinh hoạt bình quân mà EVN đề xuất thăng thêm khoảng 2-5%.
Trong đó, phương án thứ nhất có tổng cộng 6 bậc thang với mức tăng bình
quân là 16%, so với giá hiện hành. Riêng nấc thang đầu tiên (100 kWh
đầu) tăng 36% so với hiện hành.
Phương án thứ hai có tổng cộng 7 bậc thang, trong đó
EVN đề nghị tách 100 kWh đầu tiên thành 2 bậc. Trong đó, nấc thang đầu
tiên (50 kWh đầu) tăng khoảng 27%, nấc thang thứ hai (50 kWh tiếp theo)
tăng 63%. Các nấc thang còn lại tăng khoảng 12% so với hiện hành.
Đối với điện sản xuất, EVN đề xuất tăng bình quân
khoảng 15,5% so với hiện hành. Giá bán điện cho các cơ quan hành chính,
sự nghiệp (y tế, giáo dục, chiếu sáng công cộng...) với mức tăng bình
quân 16%. Đối với các hộ kinh doanh, dịch vụ, giá bán điện sẽ được tính
theo giờ cao điểm hoặc thấp điểm với mức tăng bình quân 16% so với hiện
hành.
Cũng theo đề án, EVN đề nghị Chính phủ cho phép được
"thả" giá điện theo cơ chế thị trường trên cơ sở các khoản đầu vào như
giá nhiên liệu, chênh lệch tỷ giá, phí sửa chữa... để điều chỉnh giá
bán. Trong đó, cứ 6 tháng một lần, EVN sẽ đề xuất giá bán điện lên Bộ
Công Thương xem xét, nếu chi phí đầu vào biến động theo chiều hướng
tăng thì giá điện cũng sẽ tăng theo và ngược lại.
Nếu một tháng sau khi trình, Bộ Công Thương không có
ý kiến thì EVN sẽ được tự động điều chỉnh trên cơ sở biểu giá bán điện
của Chính phủ.
Ngoài ra, EVN cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công
Thương ban hành giá bán lẻ điện sinh hoạt thống nhất toàn quốc từ năm
2010, khung bán lẻ điện năm 2011, 2012. Trong đó, từ năm 2011, thực
hiện giá theo vùng, các công ty điện lực tự định giá trong khung do Bộ
Công Thương ban hành.
Còn đối với chính sách giá điện hỗ trợ người nghèo,
đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, nếu mỗi hộ sử dụng 50 kWh một
tháng sẽ được hưởng mức giá như hiện nay, còn trên 50 kWh sẽ không được
hỗ trợ. Nhưng nếu cộng ba tháng liên tiếp mà bình quân mỗi tháng dưới
50kWh, sẽ được hỗ trợ cả ba tháng.
Trao đổi với VnExpress.net,
một quan chức Bộ Công Thương cho hay theo quy định thì EVN có trách
nhiệm xây dựng đề án điều chỉnh giá điện. Trên cơ sở đó Ban soạn thảo
đề án sẽ xem xét, báo cáo Bộ trưởng Công Thương. Sau khi thống nhất các
bộ ngành, phương án cuối cùng sẽ được trình Chính phủ trong quý IV năm
2008. Nếu được thông qua, giá điện mới sẽ áp dụng từ 1/1/2009.
Hồng Anh
|